Năm 2012, ngành giấy nỗ lực vượt khó
(VEN) - Thị trường tiêu thụ khó khăn, sự cạnh tranh gay gắt của các sản
phẩm nhập khẩu, chi phí đầu vào cao, lượng tồn kho của tổng công ty còn
nhiều… đã dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành giấy năm 2012
sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Tổng công ty Giấy Việt Nam, năm 2011 là năm
đầy sóng gió của ngành giấy, do sự biến động bất lợi của thị trường,
hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngành giấy gặp không ít khó
khăn. Tổng công ty Giấy Việt Nam là một ví dụ điển hình, giá trị sản
xuất công nghiệp của tổng công ty chỉ đạt 91% kế hoạch năm (2.883 tỷ
đồng), sản phẩm giấy các loại chỉ đạt 279.050 tấn, bằng 88% kế hoạch,
lợi nhuận của tổng công ty đạt 114 tỷ đồng, bằng 99% so với cùng kỳ năm
trước và đặc biệt là lượng tồn kho của tổng công ty hiện còn rất lớn,
hơn 19.000 tấn. Việc sụt giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận… không đạt
mục tiêu đề ra diễn ra ở hầu hết các công ty con, công ty liên kết của
tổng công ty như: Công ty Giấy Tân Mai, Công ty Giấy Bãi Bằng… Nguyên
nhân của tình trạng trên là do năm 2011, tình hình thị trường có nhiều
biến động bất lợi, giá cả vật tư, nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào như:
gỗ, bột giấy, điện than, hóa chất… tăng khá nhiều, riêng giá than đã
tăng gấp đôi so với năm 2010. Vốn vay cho đầu tư, phát triển rất hạn
chế, không đáp ứng được tiến độ đầu tư và nhu cầu của các đơn vị do đó
ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư, xây dựng cơ bản và
sản xuất của DN. Hơn nữa, do thời tiết của năm 2011 không thuận lợi, mưa
nhiều vào các tháng đầu năm làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ khai
thác gỗ nguyên liệu. Nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất chính là sự
cạnh tranh trên thị trường giấy ngày càng khốc liệt do sản phẩm giấy
nhập khẩu ngày một tràn ngập trên thị trường… Ông
Vũ Thanh Bình - Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam cho biết, sang
năm 2012 mặc dù dự báo tình hình ngành giấy sẽ còn gặp nhiều khó khăn,
nhưng tổng công ty sẽ nỗ lực vượt khó quyết tâm hoàn thành cho được
những mục tiêu đề ra. Cụ thể, tổng công ty phấn đấu đạt 3.260 tỷ đồng
giá trị sản xuất công nghiệp, 7.772 tỷ đồng doanh thu, sản lượng giấy
các loại đạt 318.500 tấn, sản lượng tiêu thụ giấy đạt 319.000 tấn, xuất
khẩu 400.000 tấn dăm mảnh và lợi nhuận dự kiến đạt 125 tỷ đồng, bằng
110% so với năm 2011. Để đạt được những mục tiêu
này, theo ông Bình, Tổng công ty Giấy sẽ thực hiện nhiều biện pháp nhằm
thúc đẩy cũng như đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng
công ty có hiệu quả. Cụ thể, phấn đấu giảm tối
đa định mức các yếu tố đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất bằng cách: Đối
với sản xuất giấy, tăng tỷ lệ sử dụng gỗ nguyên liệu rừng trồng, tỷ lệ
sử dụng nước thu hồi, hơi thu hồi, giảm lượng điện sử dụng. Tăng tỷ lệ
sử dụng phụ tùng thay thế, hóa chất, vật tư… sản xuất trong nước vào các
dự án và trong sản xuất. Tăng cường công tác quản lý, công tác kiểm tra
giám sát, chất lượng rừng trồng, giảm tỷ lệ hao hụt về diện tích, hao
hụt về sản lượng gỗ khi thu hoạch. Bên cạnh đó,
công tác mở rộng thị trường cũng là một trong những giải pháp trọng tâm
của tổng công ty nhằm ổn định và phát triển thị trường của ngành giấy
trong năm 2012. Theo đó, tổng công ty sẽ xây dựng và thực hiện các chính
sách, cơ chế bán hàng linh hoạt, làm tốt công tác chăm sóc khách hàng
đồng thời hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt
Nam” do Bộ Chính trị phát động. Ngoài ra, tổng
công ty cũng sẽ mở rộng, phát triển rừng nguyên liệu giấy để tạo nền
tảng vững chắc cho sản xuất và giảm giá thành sản phẩm. Áp dụng các biện
phá kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng rừng trồng, tăng cường đầu tư thâm
canh. Đầu tư, cải tiến để tăng hiệu quả công tác thiết kế khảo sát lâm
nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo độ chính xác về hiệu quả
chuyên môn, chú trọng đào tạo cán bộ chuyên môn và cán bộ quản lý hiện
trường. Đặc biệt, tổng công ty sẽ tập trung vốn
đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, cụ thể: Hoàn thiện việc lắp đặt,
chạy thử và nghiệm thu Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam; đầu tư hoàn
thiện hệ thống thiết bị tại Nhà máy giấy Bãi Bằng; đầu tư xưởng chế biến
gỗ xuất khẩu tại Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam; đầu tư xử lý nước
thải tại Công ty giấy Tissue Sông Đuống và triển khai các dự án đầu tư
phát triển vùng nguyên liệu giấy… Đánh giá cao
những giải pháp của Tổng công ty Giấy nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất,
kinh doanh trong năm 2012, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đặc
biệt lưu ý: Các DN ngành giấy phải tập trung hơn nữa vào công tác thị
trường, cần phải đổi mới cách làm, mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối
tránh tập trung sản phẩm vào một số đại lý lớn… có như thế mới hạn chế
được các khâu trung gian, giảm giá thành sản phẩm. Và một điểm quan
trọng nữa là các DN phải đầu tư nghiên cứu để không chỉ đưa ra thị
trường những sản tốt mà phải đưa ra được những sản phẩm người tiêu dùng
yêu cầu… Có như vậy các DN mới có thể trụ vững và vượt qua khó khăn hoàn
thành được mục tiêu của năm 2012…/. Việt Nga
|