Ngành giấy tăng giá: Lao đao ngành in ấn
(HNM) - Sau đợt điều chỉnh giá đầu tháng 4, các doanh nghiệp (DN)
sản xuất giấy lại rục rịch nâng giá bán. Theo các DN, giá giấy tăng là
do giá nguyên liệu sản xuất đang ở mức cao kỷ lục trong hàng chục năm
qua. Lãi suất ngân hàng đang ở mức cao so với năm 2009 cũng là một thách
thức lớn. Với tình hình này, dự kiến đầu tháng 5, giá giấy tiếp tục
tăng từ 9% đến 14%. Giấy tăng giá khiến những ngành sử dụng giấy số
lượng lớn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong khi đó, nếu có những
điều tiết hợp lý về chính sách thuế, giá giấy có thể ở mức hợp lý hơn.
Đau đầu vì giấy tăng giá
Đầu tháng 4-2010, Công ty CP Giấy Tân Mai thông báo, từ ngày 1-4 giá
giấy in, giấy viết và giấy in báo sẽ điều chỉnh tăng thêm 500 nghìn đến 1
triệu đồng/tấn cho các hợp đồng giao trong tháng. Tổng Công ty Giấy
Việt Nam đã tăng giá các mặt hàng giấy nêu trên thêm 7% từ ngày 1-4.
Thông tin này khiến những khách hàng sử dụng giấy với số lượng lớn, đặc
biệt là ngành in ấn phải đau đầu tính toán nhằm bù đắp chi phí sẽ trội
lên. Bởi nếu sử dụng giấy với số lượng nhỏ, việc giấy tăng giá khoảng
5-6% là khoản chi phí không đáng kể. Song với những đơn vị sử dụng giấy
với số lượng lớn như nhà xuất bản và các cơ quan báo chí, giá giấy chỉ
cần giảm hoặc tăng thêm vài phần trăm, chi phí in ấn sẽ tăng lên hay
giảm đi hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Lý giải việc giá giấy tăng mạnh, ông Vũ Quốc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội
Giấy và bột giấy Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến DN phải
điều chỉnh tăng giá sản phẩm. Trước tiên là do giá bột giấy nguyên liệu
đang ở mức cao kỷ lục. Hiện giá bột giấy sợi dài ở mức trên 900 USD/tấn;
giá bột giấy sợi ngắn khoảng 850 USD/tấn; giá giấy loại khoảng 270
USD/tấn. Giá giấy đã qua sử dụng (giấy loại) thu mua trong nước cũng
tăng từ 3 triệu đồng/tấn lên 3,7 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, giá xăng, dầu
và điện đang ở mức cao, kèm theo tỷ giá đồng tiền và lãi suất biến động
theo chiều hướng tăng khiến DN ngành giấy buộc phải cân nhắc giá bán.
Bởi với mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay,
không phải DN nào cũng có khả năng trả lãi hằng tháng. Trong khi đó, 70%
nguồn vốn lưu động của các DN chủ yếu phải vay ngân hàng… Trước tình
hình này, nhiều DN ngành giấy đã điều chỉnh tăng giá giấy in, giấy viết
và giấy in báo. Việc điều chỉnh giá đã ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời
sống bởi khá nhiều đối tượng khách hàng sử dụng các loại giấy trên.
Hệ lụy đến ngành in ấn
Thông báo điều chỉnh giá giấy đã khiến nhiều nhà xuất bản, nhà in báo -
những đối tượng sử dụng giấy số lượng lớn phải đau đầu giải bài toán chi
phí. Trao đổi với phóng viên Hànộimới ngày 21-4, ông Đặng Hoàng Giang,
phụ trách truyền thông của Công ty CP Văn hóa truyền thông Nhã Nam cho
biết: Nhã Nam đã nhận được thông báo tăng giá giấy từ đầu tháng 4. Giá
giấy tăng tùy theo chủng loại, song cá biệt có loại tăng thêm tới 30%.
Giấy tăng giá mạnh khiến các nhà sách buộc phải tính toán lại chi phí
sao cho sách phát hành bảo đảm có lãi nhưng vẫn phù hợp với túi tiền của
độc giả. "Tuy giá giấy tăng không tác động trực tiếp và rõ nét đến đời
sống như giá xăng, dầu, song độ ảnh hưởng khá rộng, bởi nhu cầu tiêu thụ
giấy mỗi năm của nước ta rất lớn. Nếu giá giấy tăng quá cao, việc sách
tăng giá là điều không thể tránh khỏi", ông Giang khẳng định.
Không chỉ các nhà sách "đau đầu" vì giấy tăng giá, nhiều tờ báo, tạp chí
cũng đang tính toán lại chi phí giấy và công in để không phải tăng giá
bán. Cán bộ phụ trách khâu phát hành, xuất bản tại một tạp chí chuyên
viết về doanh nhân bộc bạch: Giá giấy, công in đã tăng khoảng 30% từ 1
tháng nay. Ban biên tập tạp chí đang cân nhắc tới đây phải thay đổi khổ
giấy và chủng loại giấy in để giảm bớt chi phí đầu vào nhằm tránh phải
tăng giá bán báo. "Nếu mua giấy giá rẻ, chất lượng báo in ra sẽ không
đẹp, sắc nét. Như vậy, tính cạnh tranh của tạp chí sẽ kém đi, trong khi
đó, với đà tăng giấy hiện nay, việc tăng giá báo chắc chắn sẽ xảy ra".
|
Việc tăng giá giấy sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều tới ngành in ấn. Ảnh: Nhật Nam |
Nên có chính sách thuế hợp lý đối với giấy loại
Ngay sau đợt tăng giá giấy đầu tháng 4, một số DN ngành giấy lại lên kế
hoạch cho đợt tăng giá tiếp theo. Đại diện Công ty CP Tập đoàn Tân Mai
cho biết, đầu tháng 5 tới, dự kiến sẽ điều chỉnh tăng giá thêm 9-14%.
Bởi với giá nguyên liệu đầu vào ở mức cao như hiện nay, việc điều chỉnh
giá bán là tất yếu.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Quốc Bảo, hiện có một nghịch lý đang xảy ra trong
chính sách thuế áp dụng cho mặt hàng giấy loại dùng để sản xuất giấy,
nếu giải quyết thấu đáo, vừa có thể giảm nhập siêu, giúp đem lại sự công
bằng cho các DN ngành giấy, vừa giúp giá giấy ở mức hợp lý hơn. Hiện
tại, khoảng 72% nguyên liệu sản xuất giấy là giấy loại. Lượng giấy loại
thu gom để tái sản xuất giấy ở nước ta là 32% (mức dự kiến năm 2010),
trong khi tại các nước trong khu vực, tỷ lệ này là 60-65%. Theo quy
định, thuế nhập khẩu giấy loại hiện là 0%, vì vậy khi nhập khẩu mặt hàng
này làm nguyên liệu sản xuất, DN chỉ phải nộp thuế giá trị gia tăng
(GTGT). Còn với DN mua giấy loại thu gom trong nước, nếu người bán có
hóa đơn VAT thì nhà sản xuất sẽ được khấu trừ thuế.
Trường hợp người bán không có hóa đơn VAT (đa số rơi vào trường hợp này
vì giấy loại được thu gom từ các nguồn nhỏ lẻ), để được cơ quan thuế
công nhận chi phí mua giấy, DN thu mua phải đóng hộ 3% thuế thu nhập cho
người bán lẻ và nộp thuế GTGT. Như vậy, trên thực tế, nếu sử dụng giấy
loại thu gom nội địa, DN phải nộp thuế VAT 750.000 đồng/tấn. Nếu dùng
giấy loại nhập khẩu để sản xuất giấy, thuế VAT chỉ còn 400.000 đồng.
Theo ông Bảo, nếu nhà nước điều chỉnh chính sách thuế phù hợp hơn cho
các DN sản xuất giấy, không những có thể tiết kiệm một lượng lớn giấy
loại thu gom trong nước với giá rẻ mà còn góp phần đáng kể nhằm giảm tỷ
lệ nhập siêu. Việc tận thu nguồn giấy đã qua sử dụng cũng góp phần tích
cực trong việc bảo vệ môi trường; cắt giảm đáng kể chi phí sản xuất của
DN, giúp giảm giá giấy trên thị trường.
Hương Ly
|